Dạy con song ngữ- Tắm ngôn ngữ tiếng Anh cho trẻ là gì và những sai lầm?

Một phương pháp được dùng khá phổ biến trong việc dạy con song ngữ hiện nay có lẽ làm phương pháp “tắm loa ngôn ngữ”.  Trong bài viết này, mình xin chia sẻ quan điểm của mình về phương pháp này từ trải nghiệm thực tế của bản thân trong quá trình dạy con và kết hợp với một số tài liệu nghiên cứu khoa học. Vậy phương pháp này là gì và nó có thật sự hiệu quả hay không?

Vấn đề 1: Phương pháp này là gì?

Nói một cách ngắn gọn, chúng ta mở các bản nhạc, câu chuyện cho con nghe những lúc con chơi và thường là không tương tác với con. Có một số phụ huynh bất cứ lúc nào con chơi là tranh thủ mở, mở trước khi ngủ và trong khi ngủ.

Vấn đề 2: Tại sao phương pháp này được dùng khá phổ biến.

Mình xin liệt kê một số lý do chính:

+Lý do 1:

Hầu như phụ huynh sử dụng phương pháp này nghĩ rằng việc cho con nghe một ngoại ngữ, trong trường hợp này là tiếng Anh từ khi con chào đời, thậm chí trong bụng mẹ giúp con quen thuộc với ngôn ngữ đó, tạo nền tảng để sau này con dễ học ngôn ngữ đó hơn. Và hơn nữa con có nguồn đầu vào tiếng Anh chuẩn.Thoạt đầu, nghe có vẻ hợp lí. .

+Lý do thứ 2:

Dễ thực hiện, ai cũng có thể làm được

+ Lý do thứ 3:

Hầu như chúng ta đều có nỗi sợ lớn với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, chúng ta sợ phát âm, sợ tiếng Anh của mình không chuẩn sẽ ảnh hưởng tới con. Thật lòng mà nói, tiếng Anh của mình cho tới giờ vẫn không được gọi là “chuẩn”… Nếu mà chờ cho tiếng Anh của mình đạt “chuẩn” thì có lẽ con mình tới giờ vẫn chưa nói được. Với suy nghĩ như vậy, thay vào đấy, chúng ta dùng loa tắm ngôn ngữ vừa dễ thực hiện, đầu vào ngôn ngữ lại chuẩn và với hy vọng tràn trề, sau này con sẽ nói chuẩn nói hay.

Vấn đề 3: Liệu phương pháp này có thật sự đem lại hiệu quả.

Câu hỏi 1

Liệu trẻ sơ sinh có thể học nói một ngôn ngữ khác bằng việc nghe audio mà không tương tác ?

Theo nghiên cứu khoa học, câu trả lời là không! Trẻ sơ sinh sẽ không tiếp nhận bất kỳ ngôn ngữ nào nếu con không được nói chuyện trực tiếp, nếu con không thể liên hệ với những gì được nói chuyện.

Câu hỏi 2:

Việc cho con nghe một ngoại ngữ mà không tương tác giúp con quen thuộc với ngôn ngữ đó, có tạo nền tảng để sau này con dễ học ngôn ngữ đó hơn hay không?

Câu trả lời là không.Trẻ sơ sinh có thể phân biệt nhiều loại âm thanh, nhưng theo thời gian (hoặc bắt đầu khoảng 6 tháng), chúng mất khả năng phân biệt những âm thanh không xuất hiện trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày.

Một nghiên cứu được tiến hành,

Trẻ sơ sinh Nhật Bản có thể phân biệt chữ cái R trong tiếng Anh với các âm khác theo cách mà nhiều người lớn Nhật Bản không thể vì âm thanh đó không tồn tại trong tiếng Nhật. Tuy nhiên, khả năng này sẽ mất đi khi em bé nhận ra rằng mình sẽ không cần những âm thanh đó,

vì vậy ngay cả khi bạn cho bé tiếp xúc với bất kỳ ngôn ngữ cụ thể nào trong hai năm tới và sau đó bé sẽ bắt đầu học ngôn ngữ đó một vài nhiều năm sau, phần đông bé vẫn sẽ mất khả năng phân biệt các âm thanh của ngôn ngữ đó.

Hầu hết các bằng chứng cho thấy rằng trẻ sơ sinh không thu nhận thông tin về âm thanh ngôn ngữ khi chỉ nghe bài nói được ghi âm (mặc dù nó có thể hữu ích đối với trẻ lớn hơn). Những nghiên cứu cũng cho thấy rằng trẻ sẽ không có bất kỳ lợi thế nào nếu sự tiếp xúc duy nhất của con là các bản ghi âm. Ngoài ra, đối với một em bé, việc nghe tiếng nước ngoài mà không có sự tương tác và giao tiếp thì không khác gì so với việc nghe tiếng ồn trắng.

Con sẽ cần phải liên hệ với những gì được nói không chỉ để hiểu ý nghĩa mà còn hiểu âm thanh là một phần của ngôn ngữ nói. Hầu hết các nghiên cứu đều hướng đến việc thực sự học nói một ngôn ngữ bằng sự tương tác, giao tiếp hằng ngày bằng ngôn ngữ đó mà không hề liên quan đến việc xây dựng sự quen thuộc về âm thanh của ngôn ngữ mà không có sự tương tác chủ động giữa người với người

Link nghiên cứu khoa học tại đây

https://www.pnas.org/doi/10.1073/pnas.1532872100

https://www.researchgate.net/figure/A-Experiment-1-Effects-of-live-foreign-language-intervention-in-infancy-Mandarin_fig1_10661539

Vấn đề 4: Việc mở ngày đêm âm nhạc hoặc radio tác động như thế nào đến sự phát triển của trẻ!

Ở đây chúng ta chỉ nói tới việc cho nghe nhạc hoặc radio, chứ không xem trực tiếp

Dựa theo nghiên cứu khoa học. Dưới đây là một số ảnh hưởng:

+Tương tác giữa cha mẹ và con cái ngắn hơn và ít thường xuyên hơn.

+Trẻ có biểu hiện khó tập trung hơn vào các hoạt động và vui chơi.

+Thường có sự giảm sút về khoảng thời gian mà trẻ tập trung vào một nhiệm vụ nào đó

Link nghiên cứu khoa học tại đây

https://www.nature.com/articles/s41390-021-01916-6

Một chút chia sẻ về tầm quan trọng của tương tác đối với sự phát triển của trẻ

 

Video mình chia sẻ ở trên nói về tầm quan trọng của tương tác đối với sự phát triển của trẻ và mình cũng chia sẻ thêm một chút về điều này từ nguồn nghiên cứu của đại hoc Havard

Những năm tháng đầu đời là lúc não bộ phát triển nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời. Khi mới sinh, trung bình não của trẻ sơ sinh có kích thước bằng 1/4 so với não trung bình của người lớn. Thật đáng kinh ngạc, não bộ tăng gấp đôi kích thước trong năm đầu tiên và tiếp tục phát triển đến khoảng 80% kích thước so với não bộ trưởng thành vào năm 3 tuổi và  90% gần như phát triển hoàn toàn vào năm tuổi. Những năm đầu đời cũng là lúc các kết nối giữa các tế bào não được tạo ra với tốc độ đáng kinh ngạc – ít nhất một triệu kết nối thần kinh mới mỗi giây, nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong đời. Những sự kết nối này giúp trẻ nhỏ điều khiển cơ thể của và bắt đầu tìm hiểu về thế giới

Có nhiều điều ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, nhưng quan trọng nhất là mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh, bên cạnh trẻ. Mối quan hệ tin cậy, yêu thương, ấm áp, là điều rất cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của trẻ. Những mối quan hệ này bắt đầu ở nhà, với cha mẹ và gia đình, nhưng cũng bao gồm người chăm sóc trẻ, giáo viên và các thành viên khác trong cộng đồng.

Cách để giúp trẻ tạo kết nối giữa các tế bào thần kinh

Những năm tháng đầu đời là cơ hội tốt nhất để não bộ của trẻ phát triển các kết nối cần thiết để trở thành những người trưởng thành khỏe mạnh và thành công. Nghiên cứu khoa học gần đây đang chỉ ra rằng các kết nối cần thiết cho nhiều kỹ năng quan trọng được hình thành hoặc không được hình thành trong những năm đầu tiên này-các kỹ năng như động lực, khả năng tự điều chỉnh, giải quyết vấn đề, giao tiếp, lòng tự trọng và sẽ khó hơn rất nhiều để những kết nối não thiết yếu này được hình thành sau này trong cuộc sống. Tin vui là, chúng ta có thể giúp trẻ xây dựng các kết nối não bộ mà trẻ cần bởi vì các kết nối não bộ được xây dựng thông qua trải nghiệm hàng ngày của trẻ.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển các kết nối não bộ mà trẻ cần theo hai cách:

+Thứ nhất, thông qua tương tác tích cực với người chăm sóc, luôn bên cạnh trẻ, như nghe một bài hát ru, trò chuyện, vui đùa

+ Thứ hai, sử dụng các giác quan của trẻ để tương tác với thế giới xung quanh, như với lấy một món đồ chơi.

Các kích thích khác nhau giúp xây dựng các kết nối khác nhau. Đó là những trải nghiệm hàng ngày của trẻ – số lượng và chất lượng của sự chăm sóc, kích thích và tương tác mà trẻ nhận được trong những ngày, tuần, tháng và năm đầu tiên của cuộc đời – sẽ xác định những kết nối não nào phát triển và sẽ tồn tại suốt đời.

Não bộ trẻ nhỏ phát triển thông qua các mối quan hệ

Ngay từ khi mới sinh, trẻ đã có những lời mời gọi bố mẹ và những người chăm sóc đến với trẻ. Trẻ sơ sinh làm điều đó bằng cách thủ thỉ, mỉm cười và khóc; trẻ mới biết đi có thể truyền đạt nhu cầu và sở thích của mình một cách trực tiếp hơn. Mỗi lời mời nhỏ này là cơ hội để người chăm sóc đáp ứng hoặc không đáp ứng nhu cầu của trẻ. Quá trình “tiếp nhận và phản hồi” ( Serve and Return) này là nền tảng cho việc kết nối các tế bào não bộ. Bố mẹ và người chăm sóc đơn giản là dành sự quan tâm, yêu thương và phản hồi cũng như tương tác với trẻ là đã đang giúp trẻ xây dựng bộ não. Đó là lý do tại sao việc nói chuyện, hát, đọc và chơi với trẻ nhỏ ngay từ khi mới sinh là rất quan trọng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những em bé trải qua nhiều kiểu tương tác tích cực này sẽ khỏe mạnh hơn, thành công hơn và điều ngược lại cũng đúng. Trẻ nhỏ thiếu sự tương tác chăm sóc sẽ không phát triển được nhiều kết nối não bộ, và điều đó có tác động tiêu cực lâu dài.

Như vậy việc bố mẹ tương tác, chơi đùa, trò chuyện với con là nhân tố rất quan trọng không những trong việc phát triển não bộ mà còn phát triển ngôn ngữ của con trong những năm tháng đầu đời và 0 đến 3 tuổi là giai đoạn con học ngôn ngữ nhanh nhất nên bố mẹ cố gắng tranh thủ thời gian tương tác với con càng nhiều càng tốt  và mình tin rằng bố mẹ sẽ cảm nhận niềm vui, hạnh phúc trên khuôn mặt, đôi mắt con mỗi khi con được trò chuyện vui đùa cùng bố mẹ. Sự tương tác của bố mẹ là món quà tuyệt với nhất của con.